10 tips quản lý chi tiêu cá nhân cho sinh viên cực hiệu quả

Quản lý chi tiêu cá nhân là một kỹ năng quan trọng mà các bạn sinh viên nên trang bị ngay từ khi còn đi học. Tham khảo 10 cách quản lý chi tiêu cá nhân cho sinh viên dưới đây để giúp các bạn có một cuộc sống ổn định, tạo lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng và phát triển kỹ năng quản lý tài chính.

1. Tiết kiệm chi phí thuê phòng trọ để quản lý chi tiêu cá nhân

Khoản chi phí cố định lớn nhất mà sinh viên phải đối mặt là tiền thuê phòng trọ hàng tháng. Để giảm chi phí thuê trọ xuống mức thấp nhất, bạn có thể đăng ký ở ký túc xá của trường hoặc ở ghép với nhiều người. Việc ở ghép sẽ giúp bạn giảm gánh nặng phí thuê nhà để tiết kiệm được thêm một khoản tiền hàng tháng. Ngoài ra, việc ở ghép còn giúp bạn bớt cô đơn và có người chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật. 

Khi tìm phòng trọ, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng, so sánh mức giá giữa các bên cho thuê, bao gồm cả các khoản phụ phí như: tiền mạng internet, giá điện, giá nước, tiền vệ sinh… để tiết kiệm nhất. Bạn nên chọn thuê phòng trọ của hộ gia đình để tiết kiệm một khoản chi phí điện, nước, internet. Bởi lẽ nếu thuê trọ tại hộ gia đình, bạn sẽ được tính giá điện, nước khoảng 2.500 đồng/ 1 số điện và 8.000 đồng/ 1 khối nước; thay vì 4.000 đồng/ 1 số điện và 30.000 đồng/ 1 khối nước khi thuê tại các khu nhà trọ dịch vụ hoặc chung cư mini. 

quản lý chi tiêu

2. Dùng phương tiện công cộng để giảm chi phí đi lại

Sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện trên cao cũng là một trong những cách tiết kiệm chi tiêu cá nhân cho sinh viên. Điều này sẽ giúp bạn vừa tiết kiệm được chi phí đi lại, vừa góp phần bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông. Vé xe buýt liên tuyến dành cho đối tượng học sinh, sinh viên chỉ có mức giá 100.000 đồng/tháng, tức là chỉ với hơn 3.000 đồng mỗi ngày, bạn có thể tùy ý di chuyển đến mọi địa điểm. 

Ngoài ra, nếu nơi ở gần trường học thì bạn nên đi bộ hoặc tự đạp xe đến trường. Để làm được điều này, bạn nên thuê nhà trọ có vị trí nằm trong khoảng 2km bán kính quanh trường để tiết kiệm chi phí đi lại. 

quản lý chi tiêu cho sinh viên

3. Tiết kiệm tiền sách vở, giáo trình để quản lý chi tiêu cá nhân

Trên thực tế, giá bán các cuốn giáo trình đại học thường dao động từ 50.000 – 70.000 đồng, thậm chí những cuốn sách tham khảo còn có thể lên tới 100.000 – 200.000 đồng. Tiền mua sách vở, giáo trình cho mỗi môn học tuy nhỏ, nhưng khi cộng gộp lại tất cả các môn học thì lại là một khoản tiền lớn. Ngoài ra, sách lại chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn, đến khi kết thúc môn học đó. 

Chính vì vậy, bạn có thể tìm đến các giải pháp hữu ích hơn để tiết kiệm như: mượn giáo trình từ thư viện nhà trường; xin giáo trình, tài liệu tham khảo từ các anh chị khóa trên, photo giáo trình hoặc mua lại giáo trình cũ với giá rẻ. Việc tiết kiệm từ những chi phí nhỏ nhất này sẽ giúp bạn hình thành kỹ năng quản lý chi tiêu tốt.

Ngoài ra, nếu bạn mua giáo trình mới thì cần giữ gìn cẩn thận trong quá trình sử dụng để sau khi học xong có thể bán lại cho những sinh viên khác hoặc tiệm sách cũ. Bạn có thể đăng bán giáo trình tại các hội nhóm sinh viên trên Facebook, hội nhóm bán sách cũ… Đây là cách hữu ích vừa giúp bạn tiết kiệm thêm một khoản chi phí, vừa tránh việc lãng phí giáo trình, sách vở. 

4. Hạn chế việc thi lại và học lại

Việc học lại, thi lại là một tình trạng rất phổ biến của các bạn sinh viên hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc này là do chưa chú trọng học tập, đi học như đi chơi, đi học chỉ để điểm danh hoặc bỏ học đi chơi dẫn đến kết quả học ngày càng sa sút. Thông thường, học phí học lại, thi lại sẽ cao hơn 1,5 – 2 lần so với học phí lần đầu nên nếu không thi qua môn, sinh viên sẽ tốn thêm rất nhiều tiền để thi lại.

Trong khi đó, nếu bạn chú trọng việc học ngay từ đầu, kết quả học tập tốt thì đã có thế tiết kiệm chi phí học lại. Thậm chí nếu kết quả học tập của bạn đủ xuất sắc, bạn vừa có thể nhận được học bổng của trường, lại vừa tự trang bị cho mình một bảng điểm đẹp.

5. Tự nấu ăn thay vì ăn hàng, hạn chế tụ tập tiệc tùng

Thói quen tự nấu ăn hàng ngày tưởng chừng đơn giản nhưng lại là thách thức đối với sinh viên, nhất là các bạn nam. Nguyên nhân là bởi các bạn sinh viên sẽ thường xuyên đối mặt với lời mời gọi, rủ rê tụ tập từ bạn bè, hoặc chỉ đơn giản là xuất phát từ việc lười nấu cơm. 

Tuy nhiên, chi phí các loại đồ ăn, đồ uống chế biến sẵn bên ngoài khá cao so với mức sống của một sinh viên. Mức giá trung bình cho một suất cơm ở ngoài là khoảng 30.000 – 40.000 đồng; trong khi nếu nấu ăn tại nhà, chi phí bạn phải bỏ ra cho mỗi bữa ăn chỉ khoảng 20.000 – 25.000 đồng. Ngoài ra, đồ ăn bên ngoài thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên dễ đe dọa đến sức khỏe của bạn.

Để tiết kiệm chi phí ăn uống hàng tháng, bạn nên tập thói quen tự mua đồ ăn tươi sống ngoài chợ và dành thời gian nấu ăn tại nhà. Thói quen này vừa giúp đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tốt cho sức khỏe; vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Phần chi phí tiết kiệm được từ những bữa ăn hàng đắt đỏ không đáng có sẽ giúp bạn có thêm khoản tiền để phục vụ các mục đích cá nhân khác.

quản lý chi tiêu cho sinh viên

6. Tận dụng sức mạnh của thẻ sinh viên khi mua đồ

Thẻ sinh viên sẽ giúp bạn được giảm giá, thậm chí miễn phí khi sử dụng một số dịch vụ như: tham quan nhà tù Hỏa Lò, tham quan khu di tích lịch sử, giá vào cửa Công viên Thủ Lệ… Bên cạnh đó, một số rạp chiếu phim như BHD, CGV, Beta… cũng luôn đưa ra những mức giá khuyến mại, giảm giá vé cực ưu đãi cho sinh viên. 

Ngoài ra, khi sử dụng phương tiện công cộng, giá vé dành cho đối tượng học sinh, sinh viên cũng rẻ hơn rất nhiều so với người khác. Vé tháng xe buýt liên tuyến áp dụng cho học sinh, sinh viên chỉ có giá 100.000 đồng/tháng; vé tàu giảm 10%. Chính vì vậy, việc tận dụng thẻ sinh viên sẽ giúp bạn tiết kiệm thêm được một khoản tiền nhỏ để dành cho các việc khác của mình.

Xem thêm chương trình dành cho sinh viên tại đây.

7. Mua sắm thông minh: săn mã giảm giá, so sánh giá trước khi mua để quản lý chi tiêu cá nhân

Các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki thường xuyên đưa ra những chương trình khuyến mại hàng tháng để giảm giá một số mặt hàng thiết yếu như: quần áo, đồ gia dụng, dụng cụ học tập, túi xách, giày dép… Vì thế, các bạn sinh viên hãy theo dõi và nắm bắt cơ hội này để mua sắm trực tuyến với nhiều mã giảm giá lên tới 50%, 20%, 10%, miễn phí vận chuyển, mã hoàn tiền, hoàn xu. Từ đó, bạn có thể tiết kiệm được khoảng 10 – 15% số tiền so với mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. 

Khi lựa chọn mua hàng trực tuyến, bạn nên so sánh giá của sản phẩm đó trên các cửa hàng khác nhau. Khi đó, bạn có thể chọn ra mức giá hợp lý và ưu đãi nhất để mua.

Lưu ý khi mua hàng giảm giá, bạn cần xem xét kỹ nơi mua uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đừng vì ham rẻ mà mua phải những món đồ kém chất lượng, việc mua đồ rẻ nhưng không bền sẽ còn khiến bạn tốn kém hơn rất nhiều.

8. Sử dụng tiền mặt thay vì quẹt thẻ ATM/thẻ tín dụng để quản lý chi tiêu cá nhân

Ngày nay, hầu như mỗi sinh viên đều sử dụng tài khoản ngân hàng và dịch vụ thanh toán trực tuyến. Mặc dù mang lại sự tiện lợi nhưng việc thanh toán online bằng thẻ ATM hoặc thẻ  tín dụng sẽ khiến bạn khó kiểm soát được chi tiêu của mình. 

Việc lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt được khuyên dùng đối với các bạn sinh viên. Dùng tiền mặt sẽ giúp các bạn dễ kiểm soát chi tiêu thực tế của mình hơn, cũng như cảm nhận được giá trị của đồng tiền. Bởi lẽ khi cầm đồng tiền trên tay, bạn sẽ nghĩ đến công sức đã phải đánh đổi để kiếm được đồng tiền đó, điều này sẽ khiến bạn cân nhắc hơn khi quyết định chi tiêu. 

9. Đi làm thêm để tăng thu nhập

Bên cạnh các biện pháp tiết kiệm thì việc tạo thêm nguồn thu nhập cũng là một cách hiệu quả để quản lý tài chính cá nhân. Làm thêm không chỉ đem lại cho các bạn sinh viên nguồn thu nhập mà còn giúp mở rộng vốn hiểu biết, tạo ra các mối quan hệ, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng mềm. 

Một số công việc làm thêm phổ biến cho sinh viên bạn có thể tham khảo như: gia sư, nhân viên bán quần áo, phục vụ nhà hàng, xe ôm công nghệ, nhân viên trực page, nhân viên tư vấn khách hàng, nhân viên quán cafe… Với những công việc làm phục vụ hay bán quần áo thì mức thu nhập trung bình bạn nhận được là khoảng 20.000 – 35.000 đồng cho 1 giờ làm việc, còn việc làm gia sư thì sẽ có mức lương cao hơn, khoảng 150.000 – 200.000 đồng cho 1 buổi học kéo dài 2 – 2,5 tiếng.

Bạn nên lựa chọn những công việc part – time để có thời gian linh hoạt hơn. Nếu có thể, bạn hãy chọn những công việc có liên quan trực tiếp đến chuyên ngành học của mình để tích lũy thêm kinh nghiệm hữu ích và tăng giá trị bản thân sau khi tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý cân bằng giữa việc học tập và làm thêm, đừng nên quá chú trọng vào chuyện tiền bạc mà bỏ bê công việc chính là học tập. 

quản lý chi tiêu cá nhân cho sinh viên

10. Tính trước các khoản chi phí cố định để quản lý chi tiêu cá nhân

Để tránh tình trạng bội chi hàng tháng, bạn nên xác định được các khoản chi phí cố định như: tiền thuê nhà, tiền thanh toán tiền điện thoại trả sau, tiền mạng internet, tiền điện, tiền nước… Sau khi đã xác định được chi phí cố định, bạn mới bắt đầu lên kế hoạch chi tiêu với số tiền còn lại sao cho phù hợp nhất.

Bạn nên lập ngân sách chi tiêu để có có thể phân chia một cách khoa học các khoản thu chi hàng tháng. Việc này cũng sẽ giúp bạn hình thành được kỹ năng quản lý chi tiêu lành mạnh, tránh phải đối mặt với tình trạng bội chi. Thói quen này sẽ giúp bạn có thể dự phòng được các khoản chi phí cố định, không bị động trước các khoản chi. Để lập kế hoạch chi tiêu hiệu quả cho bản thân, bạn có thể tiến hành theo 5 bước sau:

  • Bước 1: Xác định thu nhập.
  • Bước 2: Xác định chi phí cố định hàng tháng.
  • Bước 3: Xác định những khoản chi phí có thể phát sinh.
  • Bước 4: Phân loại các khoản mục chi phí và đánh giá lại mức độ cần thiết của từng khoản mục.
  • Bước 5: Điều chỉnh lại ngân sách bằng cách thu hẹp những mục chi phí không cần thiết và đầu tư vào những mục tiêu quan trọng hơn. 

Xem thêm về phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân tại đây.