Hoạt động ngoại khóa là một điểm cộng lớn trong bộ hồ sơ du học. Chắc hẳn, nhiều bạn học sinh đã dành rất nhiều tâm huyết cho dự án ngoại khóa của mình. Vậy, bạn đã bao giờ nghĩ đến dự án của bạn sẽ ra sao khi bạn du học? Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu với GSCP nhé!
“Mình làm dự án này vì đây là lĩnh vực mình yêu thích” – một chia sẻ mà GSCP đã được nghe từ rất nhiều “nhà hoạt động xã hội” trẻ tuổi.
Chúng ta hiểu rằng, hoạt động ngoại khóa là một cách tốt để học sinh nâng tầm hồ sơ cá nhân, với những chứng chỉ, giải thưởng, thư giới thiệu. Song, để chinh phục ước mơ của mình, bạn cần thật sự hiểu rõ nhà tuyển sinh/ tuyển dụng mong muốn điều gì. Điều mà các trường đại học quan tâm, không đơn thuần là những từ ngữ hoa mỹ, hay những con số khổng lồ. Họ thật sự muốn biết những từ ngữ, con số kia nói lên gì về con người bạn, câu chuyện của bạn, những bài học và giá trị mà bạn nhận được.
Do vậy, hoạt động ngoại khóa cần thực sự nhiệt huyết và đam mê. Và chính những đam mê ấy sẽ là kim chỉ nam để bạn xác định các hướng đi của mình, trong cả học tập, ngoại khóa và công việc.
Bạn Phạm Gia Tùng là founder dự án Xã đoàn xanh – dự án thuộc GSCP mùa 2 với mục tiêu nâng cao ý thức và kêu gọi sáng kiến về xử lý rác thải. Gia Tùng cũng giành giải 3 cuộc thi Sáng kiến thanh niên “Trả xanh cho biển” do Quỹ ASEAN tổ chức với dự án “Mỳ tôm xanh” – ý tưởng thu gom – xử lý – tái chế vỏ mì tôm thành các sản phẩm hữu hiệu.
Kiên định theo đuổi hành trình bảo vệ môi trường, Gia Tùng đã ứng tuyển và xuất sắc trúng tuyển vào chuyên ngành Environmental and Ecological Engineering (tạm dịch: Kỹ thuật môi trường) của trường Purdue University – là trường đại học lớn nhất của bang Indiana, và là một trong những trường có danh tiếng hàng đầu nước Mỹ về nghiên cứu cộng đồng.
Hãy lựa chọn cho mình một lĩnh vực, và kiên trì phát triển nó. Bạn sẽ thấy, có nhiều hơn một cách để bạn tiếp nối đam mê của mình. Bởi, một dự án – với những giới hạn về nguồn lực, sẽ có điểm kết thúc, nhưng đam mê của bạn thì không.
Sẽ rất tiếc nếu một dự án đang được vận hành tốt lại hoàn toàn kết thúc khi bạn đi du học. Hãy duy trì dự án bằng cách giao phó cho những thành viên trong nhóm- những người có kỹ năng quản lý và điều hành dự án của bạn. Bằng cách này, bạn có thể quản lý từ xa, thường xuyên cập nhật tình hình phát triển của dự án, và hỗ trợ các thành viên khi cần.
Nếu bạn và những cộng sự của bạn thật sự tâm huyết với dự án. GSCP tin chắc, những tác động tốt đẹp mà các bạn mang tới cho cộng đồng vẫn được tiếp nối.
Để có một đội nhóm làm việc hiệu quả, trước hết, bạn cần hiểu nhóm của mình cần những ai, và bản thân bạn có thể đóng vai trò gì: Dự án ngoại khóa: Bạn là ai trong nhóm?
Với những bạn đã có kinh nghiệm, một cách hay giúp bạn tận dụng những kỹ năng của mình, là trở thành Mentor (Cố vấn)
Bạn đã có nền tảng kiến thức về dự án. Bạn biết mình cần làm gì để dự án phát triển. Bạn muốn tiếp tục lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng. Và hơn hết, bạn muốn thử sức ở một vai trò mới. Vậy thì, hãy trở thành một Mentor và chia sẻ những trải nghiệm, kiến thức quý giá của mình tới các nhóm dự án tương đồng.
Việc du học sẽ trở thành cơ hội tốt để bạn nâng tầm dự án của mình. Du học, đồng nghĩa bạn sẽ mở rộng vòng tròn kết nối với những người bạn quốc tế. Tại đây, bạn có thể gặp gỡ những cộng sự, cố vấn mới – những làn gió mới cho dự án hiện tại của bạn.
Bạn cũng có thể mang “đứa con tinh thần” của mình tham gia các cuộc thi tại quốc gia bạn du học.
Trên đây là một số những chia sẻ của GSCP về việc phát triển dự án ngoại khóa khi bạn đi du học. Mong bạn có thể giữ lửa với dự án của mình và kiên trì theo đuổi đam mê dù ở bất kỳ môi trường và độ tuổi nào.
Bài viết được chia sẻ bởi: GSCP
Bài viết liên quan: Những hiểu lầm về hoạt động ngoại khóa