Ngắm nhìn những hình ảnh thênh thang uốn lượn của Hà Giang – ‘con đường hạnh phúc’ ngày hôm nay, hay những đoàn xe ngược xuôi đổ đèo Mã Pì Lèng, ít ai có thể hình dung con đường này đã được làm nên như thế nào. Sự hình thành của nó đã tốn bao nhiêu sức người của không chỉ của đồng bào Hà Giang mà còn là của khắp các anh em đồng bào miền Bắc góp vào. Hàng ngàn con người đã cống hiến sức lực, tuổi trẻ cho hàng triệu con người được sử dụng, khám phá, ngắm nhìn và ca tụng như ngày hôm nay.
Được khởi công xây dựng vào ngày 10-9-1959. Con đường Hạnh Phúc dài 185km là thành quả của hơn 1200 dân công từ 8 tỉnh miền núi phía Bắc hay 16 dân tộc anh em chung sức đồng lòng. Với hơn 2 triệu ngày công được sử dụng để bộc phá tổng cộng gần 3 triệu m3 đất đá. Với tổng chi phí là 5.549.201 VND (mệnh giá năm 1965).
Quá trình thi công con đường gặp rất nhiều thiếu thốn về nhân lực, vật lực. Cũng bởi điều kiện thi công ngày đó còn thô sơ nên khi đến lõi cao nguyên đá thì hành trình lại càng khó khăn. Sự vất vả thể hiện rõ ở thời gian thi công toàn bộ con đường. 165km đầu từ Hà Giang đến Đồng Văn mất 4 năm để hoàn thiện. 20km cuối cùng từ Đồng Văn đến Mèo Vạc phải mất 2 năm từ 1963 đến 1965 mới hoàn thành.
(trùng tu lại con đường ngày nay)
Thử thách lớn nhất khi mở thêm 20km này là phải thông được tuyến qua Mã Pì Lèng. Ban chỉ huy công trường đã thành lập một đội cảm tử gọi là đội Cơ Dũng, với 17 người ban đầu. Mỗi ngày trước khi leo lên vách núi, các anh em trong đội đều đứng tuyên thệ. Vì họ biết sống còn trên vách núi treo leo kia là chuyện trong gang tấc.
Hơn hai tấn dây thừng được giăng lên như mạng nhện trên vách núi đá. Nhiệm vụ dường như bất khả thi đến mức Ban chỉ huy đã đóng sẵn 11 chiếc quan tài. Rất may mắn là trong cả năm đó mọi người không phải dùng đến chúng.
Trong toàn bộ thời gian thi công, đã có 14 thanh niên hy sinh. Để tưởng nhớ những người anh hùng đó, Nhà nước đã truy tặng bằng Tổ quốc ghi công và công nhận liệt sĩ. Duy có liệt sĩ Giàng Mí Nô là không tìm được gia đình.
Sự hy sinh tính mạng cho Tổ quốc là sự hy sinh cao cả nhất. Nhưng hy sinh đến mức tấm bằng thiêng liêng ấy không tìm được gia đình để trao lại thì sự hy sinh ấy thêm bội phần vĩ đại. Hiện nay, trong nghĩa trang liệt sĩ huyện Yên Minh, khu mộ của được xây đắp gọn gàng, trang nghiêm. Ngày nay, khi du lịch Hà Giang – con đường Hạnh Phúc chúng ta có thể nhìn thấy tượng đài tưởng niệm các thanh niên xung phong đã hy sinh.
Con đường hạnh phúc chính thức được khánh thành vào ngày 15-3-1965. Con đường mở đến đâu thì mang ánh sáng văn minh, ấm no cho người dân đến đó. Chính vì thế, Bác Hồ đã đặt tên con đường này là ‘con đường Hạnh Phúc’.
Du lịch Hà Giang – con đường Hạnh phúc giờ đây đã trở thành trải nghiệm đặc biệt cho bất cứ ai. Từ thành phố Hà Giang vào Mèo Vạc, hành trình qua những thị trấn huyện lỵ dọc tuyến đường. Có thể hình dung rõ nhất những gì mà cung đường Hạnh Phúc đã mang lại. Những địa danh thiêng liêng, những kỳ quan danh thắng, những di tích lịch sử văn hóa, những vẻ đẹp riêng có của cuộc sống trên cao nguyên đá… tất cả đã được con đường “đánh thức”.
Xem thêm những điểm đến thú vị trong cung đường Hanh Phúc tại đây.
Hoặc theo dõi. Chúng mình trên fanpage chính thức Volunteer For Education nhé!