LÀM CHỦ HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA (Phần 2)

Trong bài viết trước, GSCP đã chia sẻ hai bước đầu tiên giúp bạn làm chủ hoạt động ngoại khóa. Để tiếp nối phần 1, các bạn hãy cùng tìm hiểu các bước tiếp theo với chúng mình nhé!

Bước 3: Phỏng vấn

Ở vòng này, nhiều bạn cảm thấy lo lắng, hồi hộp vì không tự tin với khả năng giao tiếp cũng như khả năng giữ bình tĩnh. Vì thế, cách tốt nhất để giảm nỗi bất an này là CHUẨN BỊ KỸ CÀNG.

Thông thường, các bạn sẽ luôn gặp một số câu hỏi như “Bạn có thể nói một vài điều về bản thân được không?” Đây không phải là một câu hỏi đơn thuần để bạn có thể liệt kê tên, tuổi, trường, lớp mà chính là cơ hội để gây ấn tượng đầu tiên. Khi đề cập đến mỗi ý, bạn nên tận dụng triệt để cơ hội để “phô diễn” được khả năng liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển chẳng hạn như tư duy phản biện, biết lắng nghe, khả năng chú ý đến chi tiết (detail-oriented),… Bên cạnh đó, bạn có thể nêu những trải nghiệm của bản thân có thể bổ trợ cho công việc.

Ngoài ra, bạn có thể được hỏi những vấn đề liên quan trực tiếp đến vị trí ứng tuyển. Để có thể chinh phục các nhà nhân sự, bạn nên đọc kỹ mô tả công việc, dự án và các hoạt động ngoại khóa liên quan.

“Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”

binh pháp Tôn Tử

Một lưu ý quan trọng, bạn nên đến buổi phỏng vấn đúng giờ và mặc trang phục chỉnh tề, gọn gàng để tạo ấn tượng tốt với người đối diện.

Bước 4: Viết thư cảm ơn

Thể hiện lòng biết ơn và sự tôn trọng

Thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn giúp bạn thể hiện sự biết ơn và tôn trọng với người phỏng vấn khi họ đã dành thời gian để xem xét, cân nhắc hồ sơ của bạn và trao đổi với bạn về công việc, dự án ngoại khóa

Điểm cộng hồ sơ

Khi đăng tuyển bất kỳ vị trí nào, nhà tuyển dụng sẽ nhận được rất nhiều hồ sơ ứng tuyển từ các bạn ứng viên. Nhà tuyển dụng sẽ gặp rất nhiều ứng viên trong vòng phỏng vấn. Và có một sự thật không phải ai cũng biết: đa số các ứng viên không viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng. Vậy tại sao bạn không tự tạo cho mình sự nổi bật trong đám đông ấy bằng một lá thư, e-mail cảm ơn nhà tuyển dụng sau buổi phỏng vấn.

Nhắc lại các điểm mạnh của mình.

Bạn đã trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng một cách xuất sắc và bạn muốn nhấn mạnh vào các kỹ năng và kinh nghiệm này một lần nữa. Một lá thư cảm ơn sẽ giúp bạn làm điều này. Sau khi cảm ơn nhà tuyển dụng trong đoạn đầu tiên của lá thư, bạn có thể nhắc lại một cách ngắn gọn những điểm mạnh bạn đã đề cập trong lúc phỏng vấn. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung ý hoặc giải thích rõ hơn những câu trả lời bạn cảm thấy chưa thuyết phục.

Lời kết

Trên đây là một số chia sẻ của GSCP về các bước làm chủ hoạt động ngoại khóa. Mong rằng, bạn có thể tìm những dự án ngoại khóa chất lượng và chinh phục thành công đường đua du học.

Bài viết được chia sẻ bởi: GSCP

Bài viết liên quan: Làm chủ hoạt động ngoại khóa (Phần 1)