Bạn là người mới trong lĩnh vực làm dự án xã hội? Dự án bạn chưa có “name”, chưa có “fame”? Bạn chưa có kinh nghiệm, chưa có đối tác, chưa có tài trợ? Bạn lo rằng bạn sẽ không thể thực hiện dự án thành công vì thiếu những yếu tố trên? Đừng lo, đây là nỗi lo chung khi mới bắt tay vào làm dự án xã hội.
Bài viết dưới đây là những chia sẻ của bạn Phạm Lê Hiếu – founder kênh tiktok Energy Travel và dự án La bàn – Du học sau học đại học – về những kinh nghiệm để làm dự án xã hội hiệu quả dù bạn là người mới và không có “name”.
Điều đầu tiên bạn cần làm khi thực hiện dự án xã hội là chấp nhận rằng bạn là người mới và không có name. Đừng so sánh mình với những doanh nghiệp hay tổ chức lớn đã làm được nhiều việc tốt cho xã hội. Họ cũng đã trải qua quá trình khó khăn và gian nan để đạt được thành công như ngày hôm nay.
Bạn cần tự tin với dự án của mình, tin rằng dự án của bạn có ý nghĩa và giá trị cho cộng đồng. Bạn cũng nên nghiên cứu kỹ về vấn đề mà bạn muốn giải quyết, đối tượng mà bạn muốn hỗ trợ, mục tiêu và kết quả mong muốn của dự án. Từ đó, hãy hoàn thiện bản kế hoạch dự án cũng như triển khai truyền thông để thu hút được sự quan tâm và ủng hộ từ các bên liên quan về dự án của bạn.
Xem ngay: 7 điểm cần lưu ý khi lên kế hoạch cho dự án xã hội
Khi bạn tin rằng dự án mình đang làm tốt theo kế hoạch đề ra – mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng, hãy tìm kiếm sự bảo trợ từ các đơn vị uy tín để tăng cường sự tin tưởng và chuyên nghiệp cho dự án của mình. Sự bảo trợ có thể là về tài chính, chuyên môn hay bảo trợ truyền thông.
Bạn có thể mang proposal của mình đi gặp các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ hay các cá nhân có liên quan đến lĩnh vực của dự án mình. Sau đó, hãy thuyết phục họ rằng dự án của bạn xứng đáng nhận được ủng hộ và hợp tác từ họ. Khi có được sự bảo trợ từ các đơn vị uy tín, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc liên hệ với các đối tác, diễn giả, người hưởng lợi và các bên liên quan khác.
Ví dụ như dự án La Bàn của mình được nhận sự bảo trợ từ VEO – Tổ chức tình nguyện vì Giáo dục. Nhờ đó, khi liên hệ với các diễn giả, mình có thể nói rằng dự án của mình được bảo trợ bởi VEO – một tổ chức uy tín trong lĩnh vực giáo dục. Từ đó, diễn giả cảm thấy dự án này có độ uy tín hơn, sẵn sàng hợp tác với dự án hơn.
Một cách khác để bạn có thể làm dự án xã hội hiệu quả khi không có name là tham gia vào các cộng đồng làm dự án xã hội và học hỏi từ nhau. Có rất nhiều cộng đồng người trẻ làm dự án xã hội trên mạng xã hội cũng như các nền tảng khác. Bạn có thể tìm kiếm và tham gia vào những cộng đồng phù hợp với lĩnh vực và mục tiêu dự án đang hướng đến.
Khi tham gia vào các cộng đồng này, bạn sẽ có cơ hội giao lưu, chia sẻ, học hỏi và nhận được sự giúp đỡ từ những người có cùng niềm đam mê và nhiệt huyết. Bạn có thể nhận được những lời khuyên quý giá từ những người đã có kinh nghiệm làm dự án, tìm được những cộng sự tiềm năng sẽ đồng hành cùng bạn, những đối tác hay nguồn tài trợ cho dự án, hay chỉ đơn giản là những người bạn có thể chia sẻ niềm vui và nỗi buồn khi làm dự án xã hội.
Cuối cùng, để làm dự án xã hội thành công khi không có name, bạn cần không ngừng cải tiến và phát triển dự án của mình. Bạn cần theo dõi và đánh giá kết quả, tác động của dự án, từ đó nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu, những thách thức và cơ hội cần đối diện để cải thiện và phát triển tốt hơn trong tương lai. Bạn cũng nên lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản hồi từ các bên liên quan, như đối tác, nhà tài trợ, khán giả… và từ những người cộng sự xung quanh, những người trực tiếp làm dự án xã hội cùng bạn.
Bạn cần tìm kiếm những cách mới để cải thiện chất lượng và hiệu quả của dự án, để mang lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội. Hãy học hỏi không ngừng và luôn sáng tạo để làm cho dự án của mình trở nên đặc biệt và khác biệt.
Ngoài cái bài post chia sẻ về kinh nghiệm, cuộc sống du học sau đại học, gần đây, La Bàn cũng truyền tải thông tin tới mọi người qua một hình thức mới – Podcast.
Làm dự án xã hội từ con số 0 không phải là điều quá khó khăn nếu bạn có định hướng rõ ràng, niềm đam mê và sự kiên trì. Hãy tận dụng các nguồn lực có sẵn, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác và cộng đồng, và không ngừng học hỏi và cải tiến bạn nhé!
Hi vọng rằng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn với việc làm dự án xã hội từ con số 0. Và nếu bạn có một ý tưởng hay và có ý nghĩa cho xã hội, đừng ngần ngại thực hiện nó. Bạn không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mình, mà còn đang góp phần làm thế giới tốt đẹp hơn!
Đọc thêm: 5 Lưu ý khi làm dự án xã hội hướng đến người vô gia cư