Những lầm tưởng về kỹ năng lãnh đạo

Kỹ năng lãnh đạo là một trong những kỹ năng giúp bạn hoạt động ngoại khóa hiệu quả. Song, hiện nay, các bạn học sinh vẫn có những hiểu lầm về kỹ năng lãnh đạo (Leadership).

Vậy những lầm tưởng này là gì? Trong bài viết này, hãy cùng GSCP tìm hiểu nhé!

Lãnh đạo là gì?

Lãnh đạo là khả năng gặt hái được những điều phi thường từ những con người bình thường.

Có thể hiểu một cách đơn giản, lãnh đạo (leadership) là một quá trình ảnh hưởng xã hội, nhằm tối đa hóa nỗ lực của đội nhóm để đạt được mục tiêu đề ra. Đó là nghệ thuật thúc đẩy một nhóm người hành động cùng hướng tới mục tiêu chung.

Trong nhóm dự án ngoại khóa, để dự án có thể vận hành hiệu quả, đòi hỏi leader phải có khả năng lãnh đạo tốt.

Những lầm tưởng về Leadership trong hoạt động ngoại khóa

Lãnh đạo có nghĩa là nói “Có” với mọi yêu cầu

Trong nhóm dự án ngoại khóa, các thành viên có quyền được đề xuất ý kiến cho team, song không phải yêu cầu nào cũng hợp lý. Do vậy, trưởng nhóm có vai trò lắng nghe, ghi nhận những đóng góp của các thành viên nhưng không đồng nghĩa với việc nói “có” với mọi yêu cầu. Các bạn học sinh nên biết đâu là những ý kiến tốt cho team, đâu là những ý kiến duy chủ quan và có thể từ chối với những đóng góp thiếu thiện chí.

Ví dụ, nhóm dự án ngoại khóa của bạn mới đi vào hoạt động. Do kinh phí còn ít nên phần quà lưu niệm dành cho người tham gia dự án mang tính chất tinh thần và kỷ niệm nhiều. Song, một thành viên có ý muốn đổi thành những phần quà giá trị nhưng nằm ngoài sức chi trả của team. Đối với trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể đưa ra những lý lẽ thuyết phục và khéo léo từ chối lời đề nghị đó.

Luôn làm điều mà mọi người nghĩ là tốt nhất

Đối với các hoạt động ngoại khóa (hoạt động xã hội), người lãnh đạo đóng vai trò điều hành team, thống nhất đội nhóm và đưa ra những quyết định đúng đắn, dựa trên cơ sở đóng góp của các thành viên trong team. Tuy nhiên, nhiều bạn học sinh lầm tưởng rằng, leader sẽ luôn phải theo ý kiến số đông và làm những điều mà mọi người cho rằng là tốt nhất.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, leader của các nhóm dự án xã hội là những bạn học sinh có kiến thức nền sâu rộng, tư duy phản biện sắc sảo và họ có cá tính mạnh mẽ. Bên cạnh việc tôn trọng ý kiến của các thành viên, leader có quyền định hướng hoạt động của team. Những quyết định mà trưởng nhóm đưa ra đều được tính toán tỉ mỉ, cẩn thận và cân nhắc dựa trên lợi ích chung.

Lãnh đạo có thể nhanh chóng đưa ra quyết định

Với những dự án ngoại khóa dài ngày, áp lực của cả nhóm sẽ rất lớn. Trong đó, người lãnh đạo sẽ phải là người bền bỉ nhất, theo sát từng hoạt động của dự án để có thể đưa ra những quyết định chính xác. Do đó, các bạn học sinh khi hoạt động ngoại khóa thường ỷ lại vào leader. Họ luôn có một niềm tin rằng, trưởng nhóm sẽ là người nhanh chóng đưa ra những quyết định tốt cho cả team và các thành viên chỉ việc thực hiện theo kế hoạch sẵn có.

Dẫu vậy, với một người lãnh đạo, việc đưa ra quyết định chưa bao giờ là dễ dàng. Đây là một quá trình đầy áp lực và đòi hỏi công sức của người đứng đầu. Bởi lẽ, bất kì một quyết định nào cũng có thể ảnh hưởng đến tương lai dự án ngoại khóa.

Lời kết

Trên đây là một số chia sẻ của GSCP về những lầm tưởng thường thấy về lãnh đạo trong hoạt động ngoại khóa. Mong rằng, bạn đã có những góc nhìn mới mẻ, đa chiều về kỹ năng lãnh đạo.

Bài viết được chia sẻ bởi: GSCP

Bài viết liên quan: Tư duy tập thể trong dự án ngoại khóa