Những tài liệu cần thiết để đăng ký đi du học

Sau khi xác định đi du học, bạn phải nghĩ tới việc chuẩn bị các tài liệu cần thiết để bắt đầu apply vào các trường đại học mà bạn mong muốn. Việc chuẩn bị này phải chuẩn bị càng sớm và kỹ lưỡng để cơ hội trúng tuyển các trường cao hơn.

1. Tìm hiểu điều kiện nhập học, chuẩn bị hồ sơ du học

Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng khi bạn bắt tay vào chuẩn bị để đi du học. Mỗi nước hoặc mỗi trường đều đặt ra những tiêu chí cụ thể mà bạn phải đạt được nếu muốn vào học như chứng chỉ ngoại ngữ, bằng cấp…. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi gì, đừng ngần ngại hỏi hoặc viết e-mail trực tiếp cho người phụ trách tuyển sinh.
Sau khi tìm hiểu điều kiện nhập học của trường, bạn sẽ biết mình cần chuẩn bị cụ thể những gì, nhưng để chủ động hơn, việc cần làm của bạn là chuẩn bị trước cho mình một bộ hồ sơ gồm những giấy tờ chung mà thường trường nào, cơ sở đào tạo nào cũng cần.

Một bộ hồ sơ chung thường bao gồm:

  • Bằng cấp: Bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc trung học/giấy chứng nhận tốt nghiệp và học bạ – đối với những bạn có ý định đi du học bậc đại học trở xuống; bằng tốt nghiệp đại học, cao học/giấy chứng nhận tốt nghiệp và bảng điểm – đối với những bạn muốn đi du học sau đại học.
  • Chứng chỉ ngoại ngữ đảm bảo cho chương trình bạn sẽ đăng ký học
  • Giấy tờ cá nhân: giấy khai sinh, hộ khẩu thường trú.
  • Một sơ yếu lý lịch (CV) hoàn chỉnh bằng tiếng Anh hoặc tiếng của nước mình sẽ đến.
  • Một số giấy khen, chứng nhận phần thưởng quan trọng như đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế – đối với các bạn có ý định đi du học từ bậc đại học trở xuống; bằng sáng chế, giải thưởng nghiên cứu khoa học… – đối với các bạn có mong muốn du học sau đại học.

Những giấy tờ nào bằng tiếng Việt thì cần được dịch và công chứng sang tiếng nước mình đến học hoặc sang tiếng Anh. Bạn cần tìm hiểu xem nơi mình có ý định nhập học có chấp nhận giấy tờ bằng tiếng Anh không. Để dịch, công chứng sang tiếng nước ngoài thường các phòng tư pháp cấp quận, huyện trở lên mới có thẩm quyền làm, tuy nhiên nhanh chóng, thuận tiện nhất là bạn đến các phòng dịch thuật công chứng làm dịch vụ để thuê họ làm. Sau khi có bản công chứng, việc bạn cần làm là scan các giấy tờ này, để có một bộ hồ sơ online sẵn sàng cho việc ứng cử các trường khi cần đến.

chuẩn bị hồ sơ du học

2. Chuẩn bị các giấy tờ để xin thị thực nhập cảnh (VISA)

Khi bạn đi du học tức là bạn phải nhập cảnh vào nước khác, để được nhập cảnh bạn phải được chính phủ nước đó mà cụ thể là đại sứ quán/lãnh sự quán nước đó (hoặc đại sứ quán ủy quyền, nếu nước bạn muốn nhập cảnh chưa có đại sứ quán ở Việt Nam) cấp thị thực nhập cảnh, tức visa. Phần lớn chúng ta chỉ dùng hộ chiếu phổ thông, và với hộ chiếu này, chúng ta sẽ được miễn visa ở các nước thành viên trong khối Asian. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể ở các nước này một thời gian nhất định (khoảng 1 tháng), nếu ở lâu hơn bạn phải xin thị thực.

Đến du học nước nào thì tốt nhất là bạn nên xin visa vào nước đó (vì một số nước thuộc các liên minh, khi có visa vào một nước thành viên là vào được các nước khác), mỗi nước lại có những yêu cầu hồ sơ xin visa khác nhau.

Một bộ hồ sơ xin visa du học thường bao gồm:

  • Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu.
  • Hộ chiếu còn hạn.
  • Bằng cấp, bảng điểm/học bạ.
  • Một tờ đơn xin cấp visa – thường theo mẫu của mỗi nước.
  • Giấy chứng nhận sức khỏe – thường đại sứ quán mỗi nước có quy định giấy này bạn phải xin ở những cơ sở y tế nào ở Việt Nam.
  • Lý lịch tư pháp – Một tờ giấy nói đến lịch sử tư pháp của bạn như đã từng phạm tội chưa, ở đâu, làm gì… Giấy này bạn phải xin ở Sở Tư pháp của thành phố/tỉnh nơi bạn có hộ khẩu thường trú.
  • Thư chấp nhận vào học của trường nước ngoài nơi bạn sẽ học.
  • Giấy chứng nhận nơi bạn sẽ ở trong quá trình học.
  • Bảo hiểm quốc tế (thường là bảo hiểm du lịch quốc tế).
  • Vé máy bay.
  • Chứng minh tài chính/thư đảm bảo tài chính của tổ chức bảo trợ hoặc cấp học bổng cho bạn/Thư mời học bổng trong đó có nói rõ nơi cấp tiền và số tiền hằng tháng bạn sẽ nhận.
xin visa du học

3. Tìm hiểu về đặc điểm tự nhiên – xã hội nơi mình sẽ đi du học

Các thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết của nơi mình dự định đến học cũng cần được bạn xem xét. Nơi đó nhiệt độ thế, có mưa nhiều, các mùa ra sao… bạn đều cần có câu trả lời. Vì chúng ta đang ở một nước nhiệt đới, nóng lắm, mưa nhiều, chúng ta quen với nhiệt độ cao nhất khoảng 40 độ C (vào mùa hè) và thấp nhất khoảng 10 độ C (vào mùa đông), nên không phải ai cũng có khả năng chịu được cái lạnh dưới 0 độ C ở các nước hàn đới hoặc trên 40 độ C ở các nước cận xích đạo.

Bên cạnh các đặc điểm tự nhiên, bạn cần quan tâm đến các đặc điểm về lịch sử, xã hội của nơi mình sẽ đến. Liệu ở đó người dân có thân thiện hay không, có cởi mở với người nước ngoài không, quan điểm sống và thế giới quan chung thế nào… cũng cần được bạn quan tâm. Vì chắc hẳn, bạn sẽ không yên tâm sinh sống, học tập tại nơi mà ở bất cứ nơi đâu mình đều bị nhìn và đối xử như người đến từ hành tinh khác.

4. Tham gia các hoạt động ngoại khóa tại Việt Nam để lấy kinh nghiệm khi phỏng vấn du học

Một số trường đại học nước ngoài sẽ yêu cầu xem các chứng chỉ tham gia hoạt động ngoại khóa của bạn để đánh giá mức độ hoạt động xã hội. Chính vì thế để làm đẹp hồ sơ bạn có thể lựa chọn các chuyến đi du lịch tình nguyện có chứng chỉ tình nguyện viên để tham gia.

Để tìm hiểu thêm lấy chứng chỉ tình nguyện viên xem tại đây.