Tư duy tập thể trong dự án ngoại khóa

Đã bao giờ bạn tự hỏi, vì sao nhóm dự án ngoại khóa của mình hoạt động không hiệu quả? Chúng ta có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến như: nhóm không có tiếng nói chung, phân chia công việc không hiệu quả, các thành viên thiếu sự tương tác với nhau…

Song, trong bài viết này, GSCP sẽ chia sẻ một trong những nguyên nhân rất quan trọng khiến nhóm dự án xã hội của bạn gặp nhiều vấn đề, đó là Groupthink (Tư duy tập thể). Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Tư duy tập thể là gì?

Tư duy tập thể là một hiện tượng xảy ra khi một nhóm các cá nhân đạt được sự đồng thuận mà không có các bình luận gây tranh cãi. Tư duy tập thể dựa trên mong muốn chung là không làm đảo lộn sự cân bằng của một nhóm. Mong muốn này tạo ra nghị lực trong một nhóm và theo đó sự sáng tạo và tính cá nhân có xu hướng bị kìm hãm để tránh sự xung đột.

Biểu hiện cụ thể của Tư duy tập thể

1. Ảo giác đồng thuận

Đây là hiện tượng các thành viên trong nhóm hoạt động ngoại khóa tránh việc đào sâu tư duy, làm cho mọi người tin rằng tất cả đều đã thống nhất với nhau. Ảo tưởng này bắt nguồn từ thỏa thuận ngầm “im lặng đồng nghĩa với đồng ý”. Tức là có thể trong nhóm ngoại khóa có người có ý kiến trái chiều, nhưng do họ không dám bày tỏ ý kiến, nên trưởng nhóm, và các thành viên khác nghĩ rằng nhóm đã thống nhất về vấn đề đang bàn luận.

2. Niềm tin tưởng tuyệt đối

Khi leader đưa ra ý kiến, một số bạn học sinh thường có xu hướng đồng tình với quan điểm của trưởng nhóm mà không có sự phản biện. Trong tiềm thức, có thể bạn luôn nghĩ rằng, trưởng nhóm là người có nhiều kiến thức nên những gì họ nói ra đều đúng và hợp lý. Song, nếu bạn không có tư duy phản biện thì cả nhóm sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi một luồng suy nghĩ chủ quan. Do vậy, nhóm dự án ngoại khóa của bạn hoạt động không hiệu quả.

3. “Mindguards” – người gác cổng

“Mindguards” là các thành viên chủ chốt trong team, họ cố hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của các thành viên nhóm để giảm thiểu các ý kiến trái chiều và hướng đến sự thống nhất chung một cách nhanh chóng. Một số kỹ thuật mà Mindguards hay sử dụng như áp lực thời gian trong việc đưa ra quyết định, áp lực tâm lí nhóm, hay nói cách khác, đây là hiện tượng thao túng tâm lý.

Ví dụ, nhóm dự án ngoại khóa của bạn cần nguồn vốn để truyền thông dự án, song, leader không có bất kì một bản kế hoạch chi tiêu cụ thể. Để đảm bảo tiến độ dự án nên các thành viên vẫn phải đóng một khoản tiền mà không hề biết số tiền ấy sẽ được dùng như thế nào và hiệu quả ra sao.

4. Áp lực trực tiếp

Một số cá nhân có ý kiến khác biệt với đại đa số các thành viên còn lại sẽ bị xem nhẹ, bài bác, hoặc thậm chí là bị “tấn công”. Bên cạnh đó, nỗi sợ bị phán xét và sợ sai là những nguyên nhân khiến các bạn học sinh không dám thể hiện quan điểm cá nhân. Do vậy, nhóm ngoại khóa của bạn sẽ hoạt động theo lối duy chủ quan và thiếu sự đồng góp của các thành viên nhóm.

5. Tự thuyết phục bản thân

Nếu như một thành viên có ý kiến trái ngược với ý kiến của đại đa số (đang chịu áp lực từ đám đông), nên sẽ tự thuyết phục bản thân rằng “có lẽ mình sai thật”. Lối tư duy này khiến bạn không có tiếng nói trong team và làm việc cùng đội nhóm không hiệu quả. Hãy học cách tư duy phản biện và thể hiện quan điểm cá nhân, vì biết đâu, ý kiến của bạn sẽ giúp dự án ngày càng phát triển.

Lời kết

Trên đây là một số chia sẻ của GSCP về những biểu hiện và dấu hiệu nhận biết của Tư duy tập thể. Mong bạn đã có một góc nhìn khái quát về Groupthink để có thể hoạt động ngoại khóa hiệu quả.

Bài viết được chia sẻ bởi: GSCP